5 “hình thức kỷ luật” ba mẹ nên áp dụng khi giáo dục trẻ nhỏ

Với mỗi đứa trẻ phụ huynh nên áp dụng cách giáo dục phù hợp.  Dưới đây là 5 loại kỷ luật hiệu quả dành cho trẻ.

Theo Verywell Family, trong mọi tình huống các chuyên gia không xác định kiểu kỷ luật nào là tốt nhất hay hiệu quả đối với trẻ. Mỗi kiểu có những lợi ích riêng, phù hợp với từng tính cách của trẻ.

Việc xác định loại kỷ luật nào phù hợp với con nên xuất phát từ lựa chọn cá nhân dựa trên tính cách của cha mẹ, tính cách của con cái và phương châm kỷ luật của gia đình.

5 hình thức kỷ luật ba mẹ nên áp dụng khi giáo dục trẻ nhỏ

1/ Kỷ luật tích cực

Kỷ luật tích cực được xây dựng bằng sự khen ngợi và khuyến khích trẻ. Thay vì tập trung vào hình phạt, phụ huynh tiếp tục kỷ luật con bằng việc dạy dỗ.

Không áp dụng đòn roi hay những lời dọa nạt, cha mẹ dùng cách trò chuyện, phân tích và giải thích để con hiểu ra vấn đề và khắc phục.

Dạy con theo kiểu kỷ luật này sẽ giúp con không gặp các vấn đề tiêu cực về cảm xúc và tâm lý. Bên cạnh đó, khoảng cách giữa phụ huynh và con cái sẽ gần gũi hơn.

2/ Kỷ luật nhẹ nhàng

Hình thức kỷ luật này tập trung vào việc ngăn ngừa các vấn đề tiêu cực. Trẻ sẽ bị phạt, nhưng cha mẹ không được phép làm con xấu hổ hoặc tổn thương lòng tự trọng. 

Thay vào đó, bạn có thể “tận dụng” sự hài hước để đánh lạc hướng con. Điều quan trọng là cha mẹ phải quản lý cảm xúc của mình khi thực hiện việc kỷ luật con.

3/ Rèn luyện cảm xúc

Đây là hình thức dạy con hiểu hơn về cảm xúc của chính bản thân mình. Khi con đã hiểu hơn về cảm xúc của con, con sẽ chủ động diễn tả nó thay vì hành động bộc phát theo cảm xúc.

Trẻ cần được dạy những điều mình cảm thấy là bình thường và cha mẹ dạy con những cách phù hợp để đối mặt với cảm xúc của mình.

4/ Kỷ luật giới hạn

Phương pháp kỷ luật giới hạn tập trung vào việc thiết lập các giới hạn và làm rõ yêu cầu trước với con. Sau đó, cha mẹ cho trẻ các lựa chọn và đưa ra kết quả của những hành động sai.

Trẻ con phải lựa chọn hoặc phải chấp nhận hậu quả do bản thân mình gây ra. Chẳng hạn, con không ăn cơm và mè nheo, “hoặc là con ăn hết cơm hoặc là tối nay con sẽ không được đi dạo với ba mẹ”. Trong trường hợp này, trẻ phải chọn lựa là tiếp tục ăn hoặc tối nay sẽ ở nhà.

5/ Sửa đổi hành vi

Việc sửa đổi hành vi thường tập trung vào các hậu quả tích cực và tiêu cực. Hành vi tốt sẽ được khen ngợi và có thưởng. Ngược lại, phạm lỗi sẽ không được khen hoặc không có thưởng.

Nếu con vâng lời, chủ động trong công việc và học tập thì các bậc phụ huynh có thể khen thưởng hoặc cho có một vài đặc quyền như: xem hoạt hình, đi chơi… Và ngược lại nếu con hư thì tước bỏ một vài lợi ích của con, để tạo cho con một bài học đáng nhớ.

Mỗi kiểu kỷ luật đều có ưu và nhược điểm. Có thể, mỗi đứa trẻ chỉ phù hợp với 1 hoặc 2 kiểu phía trên. Điều quan trọng là ba mẹ nên áp dụng hình thức kỷ luật phù hợp với con. 

Trong quá trình nuôi dạy con cần phải kiên nhẫn, tránh nóng giận và áp dụng đòn roi hay quát mắng với trẻ khi trẻ không nghe lời.

Bài viết liên quan